CÚM MÙA: NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI ĐẦU NĂM 2025 VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ
Mục lục
- Tình hình cúm mùa đầu năm 2025 diễn biến phức tạp
- Phụ nữ có thai, trẻ em là những đối tượng dễ bị lây nhiễm và tổn thương bởi cúm
- Những biện pháp phòng ngừa cúm mùa hiệu quả
- Những đối tượng nguy cơ nên tiêm cúm mùa
- TS.BS. Thương giải đáp câu hỏi được các mẹ bầu rất quan tâm là Tiêm vaccine cúm cho mẹ bầu thì có an toàn cho thai nhi không?
Trong chương trình toạ đàm tư vấn “CÚM MÙA: NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI ĐẦU NĂM 2025 VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ” do Abbott Việt Nam phối hợp với Hội Y học Dự Phòng Viêt Nam tổ chức, được phát sóng trên Fanpage VNExpress ngày 18/4, BS. Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch, Hội Truyền Nhiễm TP.HCM, và TS.BS. Bùi Chí Thương – Trưởng Khối Sản, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã chia sẻ những thông tin gần gũi, hữu ích về những diễn biến cúm mùa đầu năm 2025 và cách chủ động phòng ngừa hiệu quả cho người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ có thai.
1. TÌNH HÌNH CÚM MÙA ĐẦU NĂM 2025 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Mở đầu chương trình, BS. Trương Hữu Khanh đã cập nhật tình hình diễn biến phức tạp của cúm mùa đầu năm 2025 ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Bắc nói riêng. Cúm mùa bùng phát mạnh trong những tháng đầu năm khi thời tiết lạnh khô kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Tại các bệnh viện tuyến đầu ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị tăng đột biến, đặc biệt ở các đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ em và ngay cả người trưởng thành khỏe mạnh.
Bác sĩ nhấn mạnh cúm mùa không chỉ ghé thăm vào mùa lạnh hay chuyển mùa mà có thể xuất hiện quanh năm, do đó người dân không nên chủ quan và xem nhẹ, đặc biệt là ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, trẻ em.

PHỤ NỮ CÓ THAI, TRẺ EM LÀ NHỮNG ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ LÂY NHIỄM VÀ TỔN THƯƠNG BỞI CÚM
Theo TS.BS. Bùi Chí Thương, nguy cơ nhiễm cúm đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là khi mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ suy yếu hơn, đặc biệt khi nhiễm cúm kết hợp với các tình trạng thay đổi sinh lý có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp thậm chí phải nhập viện. Bên cạnh đó, TS.BS Thương còn đưa ra những ảnh hưởng của cúm đến thai nhi khi mẹ nhiễm cúm như nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân, suy thai hay thai chết lưu.
Đối với đối tượng trẻ nhỏ, BS. Trương Hữu Khanh chia sẻ rằng đối tượng này cũng là một đối tượng nhạy cảm cần được bảo vệ. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi rất nhạy cảm với nhiễm trùng do có hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt đối với những trẻ có bệnh nền như tiểu đường, bệnh phổi, bệnh tim bẩm sinh, suy gan, suy thận có nguy cơ nhập viện do cúm cao. Do đó, trẻ càng nhỏ càng dễ mắc cúm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
NHỮNG BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA CÚM MÙA HIỆU QUẢ
Theo TS.BS Bùi Chí Thương, các biện pháp phòng bệnh cúm được ưu tiên đặt lên hàng đầu gồm 7 giải pháp:
- Tiêm vắc xin phòng cúm
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng.
- Đeo khẩu trang tại nơi công cộng
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì không khí thông thoáng cho nơi ở
Việc tiêm phòng cúm là biện pháp đơn giản, hiệu quả giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng trước những nguy cơ của cúm mùa.

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ NÊN TIÊM CÚM MÙA
TS.BS Thương chia sẻ tiêm phòng ngừa cúm đầy đủ là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước cúm mùa, điều này phù hợp với khuyến cáo của WHO và các hiệp hội chuyên ngành quốc tế: Tiêm phòng cúm giúp giảm biến chứng viêm phổi, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong cho các đối tượng dễ tổn thương như:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi)
- Người mắc bệnh mạn tính như bệnh hen, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch…
- Nhân viên y tế.
Đặc biệt phụ nữ mang thai được các Hiệp hội quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa Kỳ, Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ ACOG và nhiều tổ chức chuyên khoa khác khuyến cáo tiêm phòng cúm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
TS.BS. Thương đã giải đáp câu hỏi được các mẹ bầu rất quan tâm là Tiêm vaccine cúm cho mẹ bầu thì có an toàn cho thai nhi không?
Theo TS.BS. Thương, vaccine cúm đã được chứng minh hiệu quả và tính an toàn, cũng như đã được sử dụng rộng rãi rất nhiều năm. Trong đó, vaccice cúm dạng tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt của virus cúm đã bị bất hoạt, không thể gây bệnh và có thể được tiêm phòng cho các mẹ bầu ở bất kì giai đoạn nào của thai kì. Cùng với đó, vaccine cúm tứ giá tiểu đơn vị ít gây phản ứng phụ như sốt, đau tại chỗ tiêm… hơn các vaccine cúm khác, có thể là một lựa chọn phù hợp cho các mẹ bầu. Như vậy, việc tiêm vaccine cúm cho phụ nữ mang thai là giải pháp dự phòng chủ động, vừa mang tính an toàn vừa đem lại lợi ích phòng cúm trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp được đánh giá là hiệu quả và đặc hiệu, với dữ liệu an toàn đầy đủ, được cả 2 chuyên gia đồng thuận khuyến cáo trên đối tượng phụ nữ mang thai
Trong suốt quá trình diễn ra tọa đàm, BS. Trương Hữu Khanh và TS.BS. Bùi Chí Thương đã giải đáp trực tiếp rất nhiều câu hỏi liên quan đến bệnh cúm và tiêm phòng cúm đến từ quý khán giả quan tâm. Tiêm phòng cúm thực sự là giải pháp đơn giản, hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước diễn biến phức tạp của cúm mùa. Bên cạnh đó, để có tác động bảo vệ cộng đồng, mọi người nên tiêm ngừa cúm nhắc lại hằng năm để duy trì hiệu quả ngăn ngừa cúm trong suốt cả năm.