BIẾN CHỨNG THẦN KINH LIÊN QUAN ĐẾN CÚM Ở TRẺ EM

- Ngày cập nhật: 22/04/2025
Mục lục
1. Trẻ em dễ bị biến chứng do cúm
Virus cúm không “chừa” một ai – từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh, nhưng tỷ lệ nhiễm cao nhất ở trẻ em. Cứ 100 trẻ thì có đến 20 – 30 em bị cúm mỗi năm.
Trong quá trình điều trị, tôi đặc biệt quan tâm đến các đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm: trẻ dưới 5 tuổi, các cháu mắc bệnh hô hấp mạn tính, tim mạch, thận, gan; trẻ bị suy giảm miễn dịch do thuốc hoặc bệnh.
Điều khiến tôi lo ngại là các biến chứng thần kinh, có từ 1 đến 15% trẻ bị cúm gặp phải các biến chứng này. Mặc dù nhiều trường hợp có thể tự hồi phục, nhưng cũng không ít cháu phải chịu di chứng. Con số 7,6% trẻ nhập viện vì cúm có biến chứng thần kinh là tỷ lệ cần được quan tâm. Đặc biệt, viêm não do cúm – dù chỉ chiếm 1,4% các ca nhập viện – nhưng hậu quả rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30% và di chứng thần kinh khoảng 30% ở trẻ.
2. Virus cúm tấn công hệ thần kinh như thế nào?
Hiện nay, cơ chế chính xác của những tổn thương thần kinh do cúm vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng khi bị cúm, cơ thể có thể phản ứng quá mức bằng cách tạo ra lượng lớn các chất trung gian viêm – mà chúng tôi gọi là “bão cytokine”. Phản ứng viêm mạnh mẽ này có thể làm tổn thương não, gây ra các triệu chứng thần kinh. Dù vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về tác động của virus cúm.

3. Cúm gây ra những biến chứng thần kinh gì ở trẻ em?
Ở những bé đã có sẵn bệnh lý thần kinh mạn tính, virus cúm có thể khiến bệnh bùng phát trầm trọng hơn. Ngoài ra, tôi cũng gặp các trường hợp trẻ sau khi nhiễm cúm bị rối loạn thị giác tạm thời, co giật, và tai biến mạch máu não, cũng có một số biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể xuất hiện muộn.
Điều khiến chúng tôi trăn trở, cũng là điều mà nhiều cha mẹ chưa lường trước, đó là cả những trẻ khỏe mạnh và trẻ có bệnh nền đều có nguy cơ gặp biến chứng thần kinh do cúm. Có nghĩa là ngay cả khi con bạn trước giờ rất khỏe mạnh, cúm vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
4. Dấu hiệu nhận biết sớm
Hiện nay chúng ta còn thiếu các chỉ số đáng tin cậy để phát hiện sớm tổn thương thần kinh do cúm. Điều này khiến việc chẩn đoán thường bị chậm trễ, đặc biệt với các ca nghiêm trọng. Theo tài liệu y văn, hầu hết các biến chứng thần kinh thường xuất hiện rất sớm, chỉ trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi trẻ có các triệu chứng cúm đầu tiên. Có những bé đã có dấu hiệu co giật hoặc rối loạn thị giác ngay từ ngày đầu tiên. Trong nghiên cứu của chúng tôi, các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt cao (100%), co giật (80%), và thay đổi ý thức (80%).
5. Cách phòng ngừa và xử trí
Trẻ từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và những bé có bệnh lý nền, rất cần được tiêm phòng đầy đủ để giảm nguy cơ biến chứng do cúm. Bên cạnh vaccine, việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ cũng rất quan trọng.

Nếu trẻ không may mắc cúm, cha mẹ cần theo dõi sát. Nếu thấy con có dấu hiệu bất thường như co giật, lơ mơ, mất ý thức, nhìn mờ, đừng chần chừ—hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Lời kết
Những biến chứng thần kinh do cúm có thể xảy ra rất sớm và để lại hậu quả rất nặng nề, ngay cả với những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Đó là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Trong khi đó, vaccine cúm có thể ngăn ngừa viêm não và các phản ứng viêm thần kinh khác do virus cúm gây ra, từ đó giảm tổn thương thần kinh. Vì vậy, tôi mong rằng mỗi bậc cha mẹ hãy chủ động phòng ngừa cúm bằng cách tiêm phòng hàng năm cho trẻ.
Xem thêm:
- Triệu chứng và cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ em
- Khoảng trống miễn dịch ở trẻ nhỏ và nguy cơ nhiễm bệnh trong mùa đông xuân
- Cúm mùa ở trẻ từ 6 tháng tuổi: Nguy cơ và giải pháp phòng ngừa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyen SD, Ngo THT, Nguyen TVH, Do TH. Severe Neurological Complications With Influenza in Vietnamese Children. Influenza Other Respir Viruses. 2024;18(11):e70035. doi:10.1111/irv.70035
2. Nguyen LV, Nguyen DS, Pham QT, et al. Clinical Features and Treatment Outcomes of Influenza-Associated Encephalitis and Encephalopathy: A Study on 16 Children in Vietnam. Glob Pediatr Health. 2024;11:2333794X241286549. Published 2024 Oct 11. doi:10.1177/2333794X241286549
3. Influenza-Associated Neurologic Complications in Hospitalized Children. Frankl S, Coffin SE, Harrison JB, Swami SK, McGuire JL. The Journal of Pediatrics. 2021;239:24-31.e1. doi:10.1016/j.jpeds.2021.07.039.
4. Influenza Vaccine Is Able to Prevent Neuroinflammation Triggered by H7N7 IAV Infection. Demuth L, Ohm M, Michaelsen-Preusse K, et al. Frontiers in Pharmacology. 2023;14:1142639. doi:10.3389/fphar.2023.1142639.
5. Prevalence, Risk Factors, and Outcomes of Influenza-Associated Neurologic Complications in Children. Antoon JW, Hall M, Herndon A, et al. The Journal of Pediatrics. 2021;239:32-38.e5. doi:10.1016/j.jpeds.2021.06.075.