Bé bị sốt cao mẹ phải làm sao? Xử trí khi trẻ sốt co giật (Phần 3)

- Ngày cập nhật: 16/06/2025
1. Làm gì khi trẻ bị sốt co giật?
Khi con bị sốt co giật, ba mẹ thường rất hoang mang. Trong tình huống này, điều quan trọng là giữ bình tĩnh và xử trí đúng cách. Chúng tôi khuyên ba mẹ nhanh chóng đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đàm nhớt có thể chảy ra ngoài, tránh chảy ngược vào phổi gây nguy hiểm. Nếu có sẵn thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn như paracetamol, ba mẹ có thể dùng ngay cho trẻ. Đồng thời, lau mát toàn thân cho trẻ bằng nước ấm để hỗ trợ hạ sốt. Sau khi đã sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị tiếp.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ?
Ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi thấy các dấu hiệu sau: trẻ sốt liên tục hơn 2 ngày, trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt, hoặc sốt kèm theo các biểu hiện như li bì, khó đánh thức, nôn ói, bỏ bú hoặc ăn uống kém, co giật, thở nhanh, hoặc thở rút lõm ngực.

2. Phòng ngừa sốt cao ở trẻ
Để phòng ngừa các bệnh lý gây sốt ở trẻ, ba mẹ cần thực hiện nguyên tắc “3 sạch”: sống sạch bằng cách giữ vệ sinh cá nhân và môi trường, rửa tay thường xuyên; ăn uống sạch với thực phẩm tươi, được chế biến kỹ và bảo quản đúng cách, ăn chín, uống chín; chơi sạch bằng cách thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng. Trẻ cần được ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, đảm bảo các nhóm chất như đạm, mỡ, bột, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Một yếu tố không thể thiếu trong việc phòng bệnh là tiêm phòng và khám sức khỏe định kỳ. Trẻ cần được tiêm phòng vaccine theo chương trình tiêm chủng quốc gia cho các bệnh thông thường như lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản và các vaccine khác cần cho trẻ như cúm, phế cầu, não mô cầu, thủy đậu, quai bị, rubella,…

Riêng với những trẻ từng bị sốt cao co giật, ba mẹ cần đặc biệt lưu ý vì khoảng 1/3 số trẻ này có thể bị tái phát. Khi trẻ sốt, phải theo dõi sát và hạ nhiệt tích cực bằng các biện pháp phù hợp. Nếu trẻ có tình trạng co giật tái đi tái lại nhiều lần, cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chúng tôi cũng xin nhắc ba mẹ không nên quấn kín trẻ khi sốt, không kiêng ăn uống vì trẻ vẫn cần năng lượng để hồi phục. Đặc biệt, tuyệt đối không nên nặn chanh, đổ sả hay bất kỳ loại thuốc nào vào miệng trẻ đang co giật, vì có thể khiến trẻ sặc, tắc đường thở và nguy hiểm đến tính mạng. Việc cạo gió hay cắt lễ cũng không có hiệu quả, thậm chí còn gây hại.
Xem thêm: