Ưu – nhược điểm của các phương pháp tránh thai hiện nay

Chuyên gia viết bài: ThS.BS. Đinh Trung Hiếu
Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai
  • Ngày cập nhật: 18/7/2025

Việc lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp giúp mỗi cá nhân chủ động hơn trong kế hoạch hóa gia đình, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản, tránh các hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn. Trên thị trường hiện nay có nhiều lựa chọn tránh thai, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với từng hoàn cảnh, lứa tuổi và điều kiện sức khỏe cụ thể.

Đây là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Khi dùng đúng cách, hiệu quả ngừa thai có thể đạt trên 99%. Ngoài tác dụng tránh thai, thuốc còn giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, làm giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu mất trong kỳ kinh, cải thiện mụn trứng cá và giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung và viêm vùng chậu. 

Thuốc tránh thai cũng có một số nhược điểm: cần uống đều đặn mỗi ngày vào một khung giờ cố định; nếu quên uống, hiệu quả sẽ giảm. Một số phụ nữ gặp tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, đau đầu, căng ngực hoặc chảy máu giữa kỳ. Nếu có ít nhất một trong số các yếu tố nguy cơ: tuổi >35, hút thuốc, béo phì, hậu sản, tiền sử huyết khối tĩnh mạch, tình trạng bất động kéo dài (sau mổ, liệt vận động), một số bệnh lý khác hoặc di truyền liên quan đến tình trạng tăng đông, thì cần thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. 

Thuốc tránh thai đường uống là phương pháp tránh thai phổ biến nhất hiện nay
Thuốc tránh thai đường uống là phương pháp tránh thai phổ biến nhất hiện nay

Bao cao su là phương pháp tránh thai rẻ tiền, dễ sử dụng và có khả năng phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bao cao su không ảnh hưởng đến nội tiết và không cần kê đơn.
Tuy nhiên, hiệu quả ngừa thai không cao nếu sử dụng sai cách – tỷ lệ thất bại thực tế có thể lên tới 15–18%. Một số người cảm thấy khó chịu, giảm cảm giác khi quan hệ hoặc bị dị ứng với latex (cao su).

Đây là một thanh nhỏ chứa nội tiết tố được cấy dưới da tay, có tác dụng trong khoảng 3 năm. Phương pháp này rất tiện lợi vì không cần nhớ hàng ngày và hiệu quả rất cao (trên 99%). Phù hợp với phụ nữ sau sinh hoặc không muốn có thai trong vài năm tới.
Nhược điểm: cần bác sĩ thực hiện thủ thuật cấy và rút que cấy tại phòng khám. Một số người có thể gặp tác dụng phụ như kinh nguyệt không đều, rong kinh, tăng cân nhẹ hoặc thay đổi tâm trạng. 

Que cấy tránh thai là biện pháp ngừa thai có hiệu quả rất cao
Que cấy tránh thai là biện pháp ngừa thai có hiệu quả rất cao

4. Vòng tránh thai

Có hai loại chính: vòng đồng (không nội tiết) và vòng chứa levonorgestrel (nội tiết). Hiệu quả kéo dài từ 5 đến 10 năm, không ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục và có thể tháo ra khi muốn có con lại. 

Tuy nhiên, việc đặt vòng cần thực hiện tại cơ sở y tế. Vòng đồng có thể gây tăng lượng máu kinh và đau bụng kinh. Vòng nội tiết có thể gây tác dụng phụ nội tiết như đau đầu, rụng tóc, giảm ham muốn.  

5. Thuốc tiêm, miếng dán, vòng âm đạo

Đây là các phương pháp nội tiết thay thế viên uống, thích hợp cho người hay quên. Thuốc tiêm mỗi 3 tháng, miếng dán thay hàng tuần và vòng âm đạo thay mỗi tháng. Hiệu quả tương đương viên uống. 

Tác dụng phụ tương tự thuốc uống: buồn nôn, tăng cân, thay đổi tâm trạng. Thuốc tiêm có thể làm mất kinh tạm thời và làm chậm hồi phục khả năng sinh sản sau khi ngừng. 

6. Triệt sản (nam hoặc nữ)

Đây là phương pháp lâu dài, phù hợp với người không còn nhu cầu sinh con. Triệt sản nam (thắt ống dẫn tinh) và nữ (thắt ống dẫn trứng) đều có hiệu quả rất cao, ít tác dụng phụ và không ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Nhưng vì đây là phương pháp gần như không thể hồi phục, do đó bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng và được tư vấn trước khi thực hiện.  

Kết luận

Trong các phương pháp tránh thai hiện nay, thuốc tránh thai đường uống vẫn giữ vai trò trung tâm nhờ tính linh hoạt, hiệu quả cao và nhiều lợi ích sức khỏe kèm theo. Mỗi người nên chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe cá nhân. Hãy trao đổi với nhân viên y tế hoặc bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp. 

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. World Health Organization (WHO). Family planning/Contraception. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/family-planning-contraception

2. Centers for Disease Control and Prevention (CDC). Contraceptive Use in the United States, 2021. https://www.cdc.gov/reproductivehealth/contraception/index.htm

3. Mayo Clinic. Combination birth control pills. https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/combination-birth-control-pills/about/pac-20385282

4. NHS Inform. Combined Pill. https://www.nhsinform.scot/healthy-living/contraception/combined-pill

5. UpToDate. Combined estrogen-progestin oral contraceptives: Patient selection, counseling, and use.

6. ACOG. Practice Bulletin No. 206: Use of hormonal contraception in women with coexisting medical conditions. Obstet Gynecol. 2019;133(2):e128-e150.

7. Grossman Barr N. Managing adverse effects of hormonal contraceptives. Am Fam Physician. 2010;82(12):1499-1506.

8. Rowlands S, Oloto E, Horwell DH. Intrauterine devices and risk of uterine perforation: Current perspectives. Open Access J Contracept. 2016;7:19–32.

9. Hardeman J, Weiss BD. Intrauterine devices: An update. Am Fam Physician. 2014;89(6):445-450.

10. Lopez LM, Grimes DA, Schulz KF, Curtis KM. Sterilization of women: A systematic review. Contraception. 2008;77(4):213-220.

VTM2173405