Viên uống tránh thai và nguy cơ huyết khối: Bạn đã hiểu đúng chưa?

Chuyên gia viết bài: ThS.BS. Đinh Trung Hiếu
Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai
  • Ngày cập nhật: 30/6/2025

Viên uống tránh thai hằng ngày có hiệu quả cao đến 99% và là một trong những phương pháp tránh thai thông dụng nhất đặc biệt ở các nước Âu, Mỹ (1,2). Khi sử dụng đúng loại, đúng cách, viên uống tránh thai hằng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích cộng thêm bên cạnh hiệu quả tránh thai. Chẳng hạn như giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh và rong kinh, cải thiện mụn trứng cá hay hỗ trợ điều trị buồng trứng đa nang…(3,4)

Về tăng nguy cơ huyết khối khi sử dụng thuốc tránh thai, câu trả lời là có tuy nhiên, các nguy cơ này là rất thấp và chúng ta sẽ có vài so sánh dưới đây:

Quần thể đối tượngNguy cơ huyết khối tĩnh mạch(số ca bệnh/10.000/năm)
Không sử dụng thuốc tránh thai đường uống1-5
Có dùng thuốc tránh thai loại kết hợp3-9
Mang thai và sau sinh20-30
Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở 12 tuần sau sinh là cao nhất 40-65/10.000/năm

Bảng 1. Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ (5, 10)

Như vậy, mặc dù sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại kết hợp có làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, tuy nhiên tỷ lệ mắc ở mức rất thấp và mức tăng nguy cơ còn nhỏ hơn so với mang thai.

Nhiều người lo ngại dùng thuốc tránh thai lâu dài vì nguy cơ có thể mắc phải huyết khối tĩnh mạch. Tuy vậy, không phải ai dùng thuốc tránh thai đều có nguy cơ như nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch, bao gồm:

  • Tuổi >35.
  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì (BMI >30 kg/m2).
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã mắc huyết khối tĩnh mạch.
  • Hậu sản.
  • Bệnh lý nội khoa gây tăng đông (hội chứng kháng phospholipid, lupus ban đỏ hệ thống).
  • Tình trạng bất động kéo dài (sau phẫu thuật lớn, liệt vận động).
  • Một số tình trạng tăng đông di truyền.

Nếu đối tượng có càng nhiều yếu tố nguy cơ, thì nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch càng cao (5).

Thuốc tránh thai đường uống có nhiều lợi ích, đối với các trường hợp phụ nữ khỏe mạnh, trẻ tuổi, không có yếu tố nguy cơ, lợi ích của thuốc tránh thai đường uống nói chung và thuốc tránh thai kết hợp estrogen-progestin nói riêng đều vượt trội so với nguy cơ huyết khối vốn rất thấp. 

Sử dụng thuốc tránh thai đường uống như thế nào hợp lý

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hay các hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Anh Quốc (FSRH) đều có những khuyến nghị về việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ đảm bảo sử dụng thuốc an toàn (5–9). Đối với những đối tượng có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ kể trên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai đường uống.

Ngày nay, các loại viên uống tránh thai kết hợp với hàm lượng estrogen thấp nhất (chỉ 20 mcg) đã được phát triển nhằm giảm thiểu nguy cơ huyết khối. Trong quá trình sử dụng thuốc, bạn cũng nên chú ý lắng nghe cơ thể mình. Một số dấu hiệu có thể là cảnh báo như đau đầu bất thường liên tục xu hướng tăng dần, đau hoặc sưng bất thường ở chân, khó thở đột ngột, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, hay cảm giác tức ngực. Nếu có những biểu hiện này, bạn cần đi khám sớm để được kiểm tra.

Tài liệu tham khảo:

1. Skouby SO. Contraceptive use and behavior in the 21st century: a comprehensive study across five European countries. Eur J Contracept Reprod Health Care Off J Eur Soc Contracept. 2004 Jun;9(2):57–68. 

2. Sirakov M, Tomova E. [ORAL CONTRACEPTIVES AND MOOD/SEXUAL DISORDERS IN WOMEN]. Akush Ginekol (Sofiia). 2015;54(5):34–40. 

3. Armstrong C. ACOG Guidelines on Noncontraceptive Uses of Hormonal Contraceptives. Am Fam Physician. 2010 Aug 1;82(3):288–95. 

4. Oguz SH, Yildiz BO. An Update on Contraception in Polycystic Ovary Syndrome. Endocrinol Metab. 2021 Apr;36(2):296–311. 

5. Practitioners TRAC of general. Australian Family Physician. The Royal Australian College of general Practitioners; [cited 2025 Jun 17]. Risk of venous thromboembolism in women taking the combined oral contraceptive: A systematic review and meta-analysis. Available from: https://www.racgp.org.au/afp/2016/january-february/risk-of-venous-thromboembolism-in-women-taking-2

6. Creinin MD, Lisman R, Strickler RC. Screening for factor V leiden mutation before prescribing combination oral contraceptives. Fertil Steril. 1999 Oct 1;72(4):646–51. 

7. resource-chart-medical-eligibility-contraceptives-english.pdf [Internet]. [cited 2025 Jun 17]. Available from: https://www.fhi360.org/wp-content/uploads/drupal/documents/resource-chart-medical-eligibility-contraceptives-english.pdf

8. Armstrong C. ACOG Guidelines on Noncontraceptive Uses of Hormonal Contraceptives. [cited 2025 Jun 17]; Available from: https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2010/0801/p288.html

9. Todd N, Black A. Contraception for Adolescents. J Clin Res Pediatr Endocrinol. 2020 Jan;12(Suppl 1):28–40. 

10. Research, Center for Drug Evaluation and. “FDA Drug Safety Communication: Updated Information about the Risk of Blood Clots in Women Taking Birth Control Pills Containing Drospirenone.” FDA, 26 June 2019, www.fda.gov/drugs/drug-safety-and-availability/fda-drug-safety-communication-updated-information-about-risk-blood-clots-women-taking-birth-control.

VTM1359667 (v1.1)