Các thuốc thường sử dụng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

- Ngày cập nhật: 23/7/2025
Mục lục
1. Giới thiệu về tiêu chảy cấp ở trẻ em [1-6]
Tiêu chảy cấp là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong 24 giờ, thường kéo dài dưới 7 ngày. Đây là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 2 tuổi. Nguyên nhân thường do virus (như rotavirus hay norovirus), vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc rối loạn tiêu hoá do thay đổi thức ăn, môi trường sống.
Việc quan trọng nhất khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy là bù nước và điện giải đúng cách bằng dung dịch oresol (ORS). Phần lớn các trường hợp có thể điều trị tại nhà nếu trẻ được uống đủ nước và được theo dõi sát. Tuy nhiên, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ nôn nhiều, nôn tất cả mọi thứ
- Không uống được hoặc bỏ bú
- Tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày, sốt cao, phân có máu hoặc nhầy
- Có dấu hiệu mất nước: khô môi, mắt trũng, khóc không ra nước mắt, tiểu ít

2. Các thuốc thường dùng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em
Dưới đây là những loại thuốc thường dùng kết hợp với bù nước cho trẻ bị tiêu chảy cấp, ba mẹ có thể tham khảo nhưng đừng quên, việc dùng thuốc cho trẻ cần có hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
2.1.Oresol (ORS): Tác dụng ORS là bù nước và điện giải đã mất qua phân và nôn , đây là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy.
Lưu ý khi dùng Oresol:
- Pha đúng tỉ lệ theo hướng dẫn (mỗi gói với đúng lượng nước quy định: 200ml hoặc 1 lít tùy loại theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
- Cho trẻ uống bằng thìa nhỏ hoặc từng ngụm nhỏ, nhất là sau mỗi lần đi ngoài.
- Nếu trẻ nôn, hãy đợi 10–15 phút rồi cho uống lại từ từ.
- Không pha với sữa, nước ngọt hay nước trái cây.
2.2. Kẽm: Bổ sung kẽm trong 10–14 ngày có thể giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy và giảm nguy cơ bị lại trong vòng 2-3 tháng sau điều trị.[7][8][12]
2.3. Racecadotril: Đây là thuốc giúp giảm tiết nước và muối vào ruột, nhờ đó phân đặc hơn và trẻ đỡ mất nước, nhưng không ảnh hưởng đến co bóp tự nhiên của ruột nên không gây táo bón. Thuốc dùng cho trẻ trên 3 tháng tuổi, tác dụng sau khoảng 30 phút, giúp bé phục hồi sau 1 ngày sử dụng. Thuốc có ít tác dụng phụ, và ít tương tác thuốc nên được dùng khá phổ biến trong điều trị.
2.4. Men vi sinh (probiotics): Cần được sử dụng sớm giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột có tác dụng hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Cũng cần lưu ý chỉ có một số chủng men đã được chứng minh hiệu quả thì mới được sử dụng. Hiệu quả điều trị thường sau 48 giờ … [15]
2.5. Diosmectite: Là thuốc dạng bột có tác dụng bao phủ và bảo vệ niêm mạc ruột, giúp hấp phụ vi khuẩn, virus và độc tố. Thuốc chỉ được khuyến cáo dùng cho trẻ trên 2 tuổi do nguy cơ nhiễm độc chì. [16]
2.6. Kháng sinh: Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, ví dụ như trẻ bị tiêu chảy ra máu, sốt cao, hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn nặng.[9]

Các chú ý khi điều trị
- Cho bé uống nhiều hơn: Vì tiêu chảy khiến bé mất nước và điện giải, việc bù nước là vô cùng quan trọng. Hãy cho bé bú mẹ nhiều hơn, uống nhiều hơn bình thường. Chúng ta có thể cho bé uống dung dịch oresol (ORS) để bù nước và điện giải hiệu quả.
- Đảm bảo dinh dưỡng, chia nhiều bữa nhỏ, ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu: Khi mắc tiêu chảy bé thường biếng ăn, việc duy trì dinh dưỡng vẫn rất quan trọng để phục hồi niêm mạc đường tiêu hoá và chống suy dinh dưỡng. Hãy cho bé ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, ưu tiên những thức ăn hằng ngày bé yêu thích. Theo dõi sự dung nạp thức ăn của bé, những thức ăn làm tăng tiêu chảy nên hạn chế. Sau khi hết tiêu chảy nên ăn thêm 1 bữa 1 ngày trong 2 tuần hoặc đến khi cân nặng trở về bình thường.
- Cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc mà không có hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Theo dõi sát tình trạng của bé và đưa bé tái khám theo hẹn. Nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường hãy đưa bé tái khám ngay.
- Các thuốc khác như loperamide hoặc bismuth subsalicylate: Không được khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ vì có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm
Tài liệu tham khảo:
- Gastroenteritis in Children. Hartman S, Brown E, Loomis E, Russell HA. American Family Physician. 2019;99(3):159-165.
- Management of Acute Gastroenteritis in Children. Burkhart DM. American Family Physician. 1999;60(9):2555-63, 2565-6.
- 2017 Infectious Diseases Society of America Clinical Practice Guidelines for the Diagnosis and Management of Infectious Diarrhea. Shane AL, Mody RK, Crump JA, et al. Clinical Infectious Diseases : An Official Publication of the Infectious Diseases Society of America. 2017;65(12):e45-e80. doi:10.1093/cid/cix669.
- Acute Infectious Diarrhea in Children. Koletzko S, Osterrieder S. Deutsches Arzteblatt International. 2009;106(33):539-47; quiz 548. doi:10.3238/arztebl.2009.0539.
- Acute Gastroenteritis in Children of the World: What Needs to Be Done? Guarino A, Aguilar J, Berkley J, et al. Journal of Pediatric Gastroenterology and Nutrition. 2020;70(5):694-701. doi:10.1097/MPG.0000000000002669.
- Gastroenteritis in Children: Part 1. Diagnosis. Churgay CA, Aftab Z. American Family Physician. 2012;85(11):1059-62.
- Comparative Effectiveness and Safety of Interventions for Acute Diarrhea and Gastroenteritis in Children: A Systematic Review and Network Meta-Analysis. Florez ID, Veroniki AA, Al Khalifah R, et al. PloS One. 2018;13(12):e0207701. doi:10.1371/journal.pone.0207701.
- The Management of Acute Diarrhea in Children in Developed and Developing Areas: From Evidence Base to Clinical Practice. Guarino A, Dupont C, Gorelov AV, et al. Expert Opinion on Pharmacotherapy. 2012;13(1):17-26. doi:10.1517/14656566.2011.634800.
- Traveling Safely with Infants & Children. Michelle Weinberg, Nicholas Weinberg, Susan Maloney
- Loperamide Therapy for Acute Diarrhea in Children: Systematic Review and Meta-Analysis. Li ST, Grossman DC, Cummings P. PLoS Medicine. 2007;4(3):e98. doi:10.1371/journal.pmed.0040098.
- Pepto-Bismol. FDA Drug Label. Food and Drug Administration. Updated date: 2023-02-04
- Aggarwal R, Sentz J, Miller MA. Role of zinc administration in prevention of childhood diarrhea and respiratory illnesses: a meta-analysis. Pediatrics. 2007 Jun;119(6):1120-30. doi: 10.1542/peds.2006-3481. PMID: 17545379.
- https://www.drugs.com/cons/bismuth-subsalicylate.html
- https://www.cdc.gov/yellow-book/hcp/preparing-international-travelers/travelers-diarrhea.html
- Huang R, Xing HY, Liu HJ, Chen ZF, Tang BB. Efficacy of probiotics in the treatment of acute diarrhea in children: a systematic review and meta-analysis of clinical trials. Transl Pediatr. 2021;10(12):3248-3260. doi:10.21037/tp-21-511
- https://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/1278/Medicaments-a-base-d-argile-dans-le-traitement-symptomatique-de-la-diarrhee-aiguee-chez-l-enfant-Point-d-information.htm#:~:text=B%E1%BB%91i%20c%E1%BA%A3nh%20c%E1%BB%A7a%20khuy%E1%BA%BFn%20ngh%E1%BB%8B%20n%C3%A0y&text=%C4%90%C3%A1p%20l%E1%BA%A1i%2C%20ph%C3%B2ng%20th%C3%AD%20nghi%E1%BB%87m,tr%E1%BA%BB%20em%20d%C6%B0%E1%BB%9Bi%202%20tu%E1%BB%95i.