Phương pháp điều trị cúm nhanh và an toàn
Thời tiết giao mùa, nhiều người thường tìm kiếm các phương pháp phòng ngừa và điều trị cảm cúm, tuy nhiên không phải ai cũng chọn được phương pháp phù hợp với bản thân và gia đình. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích từ chuyên gia.
1. Nguyên nhân và triệu chứng cảm cúm?
Bàn về vấn đề này, BS. Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) cho biết, nguyên nhân bị cảm cúm là do lây nhiễm vi rút cúm từ người sang người qua giọt bắn, bề mặt ô nhiễm; do lây nhiễm từ động vật sang người tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, bề mặt ô nhiễm, phân chim, hoặc ăn thịt tươi sống, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kĩ.
BS. Thiệu chỉ ra các triệu chứng của cảm cúm bao gồm: Ho, hắt hơi (ít khi chảy nước mũi), sốt; đau họng; đau cơ khớp; đau đầu; mệt mỏi nghiêm trọng, nhịp tim nhanh, đỏ mắt, chảy nước mắt…
2. Cảm cúm có cần thăm khám bác sĩ không?
BS. Thiệu cho rằng, bệnh cúm hay gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay rất có nguy cơ “dịch chồng dịch” sốt xuất huyết, Covid-19…
Đặc biệt, người bệnh cần đi khám bác sĩ khi:
- Cúm có biến chứng: Có nghĩa là ngoài các triệu chứng của cảm cúm thường gặp như sốt, ho,… người bệnh còn có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm não…
- Nhóm dễ bị biến chứng bao gồm: Trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, có bệnh mạn tính như hen suyễn mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người tiểu đường, người có bệnh gan, thận, tim, phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch…
3. Nên đến bác sĩ ngay khi có các triệu chứng cảm cúm trở nặng
Một số thuốc giúp điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau, bù nước, điện giải, vitamin… Các thuốc kết hợp nhiều thành phần giúp người bệnh dễ tuân thủ hơn.
Theo BS. Thiệu, khi có một trong các triệu chứng nặng dưới đây thì cần đến bác sĩ thăm khám điều trị.
a. Đối với trẻ em:
- Thở nhanh, thở gắng sức, khó thở.
- Đau tức vùng ngực.
- Đau mỏi cơ, trẻ không chịu hoặc không thể đi lại.
- Khô miệng, không đi tiểu trong 8 giờ, khóc không chảy nước mắt.
- Mặt và môi xanh xao, tái nhợt.
- Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức.
- Sốt trên 40 độ C.
- Co giật.
- Sốt hoặc ho tái phát hoặc diễn biến xấu đi.
- Tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn.
b. Đối với người lớn:
- Khó thở hoặc thở nông.
- Đau tức vùng ngực và vùng bụng.
- Nhức đầu, chóng mặt kéo dài, không còn khả năng tỉnh táo.
- Không đi tiểu trong nhiều giờ đồng hồ.
- Sốt và co giật.
- Đau cơ nghiêm trọng.
- Suy nhược, yếu ớt, mất dần ý thức.
- Sốt hoặc ho tái phát hoặc diễn biến xấu đi.
- Tình trạng bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ và nghiêm trọng hơn.
4. Những việc cần làm ngay khi mắc cúm để giảm nhẹ các triệu chứng?
Để giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm có thể sử dụng thuốc kháng vi rút trong vòng 1 đến 2 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng làm giảm thời gian sốt, mức độ nặng của các triệu chứng và thời gian để trở lại hoạt động bình thường.
Điều trị bằng các loại thuốc kháng vi rút được khuyến cáo cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (bao gồm tất cả bệnh nhân nằm viện), những người có các triệu chứng giống cúm; khuyến nghị này dựa trên dữ liệu cho thấy điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng trên những bệnh nhân này.
Việc sử dụng thuốc kháng vi rút cần có hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.
5. Cách chữa cảm cúm tại nhà
Một số thuốc giúp điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau, bù nước, điện giải, vitamin… Các thuốc kết hợp nhiều thành phần giúp người bệnh dễ tuân thủ hơn.
BS. Thiệu cũng đưa ra các biện pháp khác để giảm nhẹ các triệu chứng của cảm cúm gồm:
+ Vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối loãng.
+ Uống nhiều nước ấm nóng.
+ Dùng tinh dầu.
+ Nghỉ ngơi và thư giãn.
6. Lưu ý đối với người bị cúm và người chăm sóc bệnh nhân cảm cúm?
Đối với bệnh nhân mắc cúm: Cần cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng. Đặc biệt, đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.
BS. Thiệu lưu ý thêm, người mắc cảm cúm nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cúm cho người khác.
Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm: Cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, súc họng và rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý, thường xuyên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng… Ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như chanh, cam, quýt…
“Khăn giấy của bệnh nhân đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác. Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, sốt thì cần thăm khám và điều trị ngay”, BS. Thiệu nhấn mạnh.
7. Thực phẩm giúp trị cảm cúm nghẹt mũi
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng. Ngoài ra, nên nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như chanh, cam, quýt…
8. Thuốc chữa cảm cúm phù hợp với bà bầu và bé

Theo BS. Thiệu, thuốc cảm cúm cho bà bầu bao gồm: Acetaminophen, đây là loại thuốc thường được dùng với những mẹ bầu bị cảm cúm trong thai kỳ.
Tiếp đó là Chlorpheniramin, là thuốc kháng histamin dành cho phụ nữ mang thai được cho vào danh sách thuốc trị cảm cúm nghẹt mũi khi bà bầu bị cảm cúm.
Pseudoepherin, là thuốc trị nghẹt mũi nhưng chỉ dùng khi mẹ đã qua 3 tháng đầu. Nếu dùng sớm hơn, hệ tiêu hóa của thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Đối với trẻ nhỏ, BS. Thiệu lưu ý nên dùng các loại thuốc cảm cúm cho bé sau:
- Paracetamol (Acetaminophen) là hoạt chất thường được sử dụng trong các thuốc giảm đau nhanh và hạ sốt ở trẻ em. Hoạt chất này giúp làm giảm thân nhiệt ở trẻ bị sốt và giảm các triệu chứng như đau đầu, cảm lạnh…
- Decongestant là nhóm thuốc chống sung huyết (thuốc thông mũi) có thể giúp giảm triệu chứng sổ mũi hoặc nghẹt mũi, bao gồm các thành phần như phenylephrine và pseudoephedrine.
- Codeine và dextromethorphan là hai loại thuốc ho thường được sử dụng cho người lớn. Chỉ dùng thuốc ho khi trẻ bị ho dai dẳng gây mệt hay mất ngủ.
- Thuốc kháng histamine: Histamine là một chất do cơ thể tiết ra khi chúng ta tiếp xúc với dị nguyên. Thuốc kháng histamine hoạt động bằng cách ức chế quá trình giải phóng histamine. Lưu ý cần tuân theo sự hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc cảm cúm cho bà bầu và thuốc cảm cúm cho bé.
Với những thông tin hữu ích nêu trên hy vọng sẽ giúp bạn và gia đình tránh được các tác nhân gây bệnh khi chuyển tiết.
Tìm hiểu thêm: Tư vấn những loại thuốc cảm cúm cần thiết cho mọi người (phần 2)