Tư vấn những loại thuốc cảm cúm cần thiết cho mọi người (phần 1)

Cúm là một bệnh nhiễm vi rút, thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến cơ thể người mắc mệt mỏi. Cảm cúm uống thuốc gì là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. 

Để hiểu rõ hơn về các loại thuốc trị cảm cúm chúng ta hãy cùng BS. Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) trao đổi về vấn đề này.

BS. Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

1. Bệnh cảm cúm và đối tượng thường mắc

BS. Thiệu cho biết các đối tượng dễ mắc cảm cúm gồm: trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), người cao tuổi (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, mắc bệnh mạn tính kéo dài: bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh gan, bệnh tiểu đường… 

“Dĩ nhiên, đây là những đối tượng yếu thế trong các bệnh truyền nhiễm đặc biệt là những bệnh lây qua đường hô hấp như Cúm A, B, Covid-19… Mặc dù vậy, nguy cơ nhiễm cúm xảy ra với tất cả các đối tượng có tiếp xúc với người bệnh ở thời điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, nồng độ vi rút phát tán ra ngoài nhiều kết hợp với không đeo khẩu trang, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh…”, BS. Thiệu thông tin thêm về các đối tượng dễ mắc cảm cúm.

2. Các loại thuốc chữa cảm cúm

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trị cảm cúm, thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi, thuốc cảm cúm cho bà bầu, thuốc cảm cúm cho bé. BS. Thiệu liệt kê một số loại thuốc trị cảm cúm như sau:

  • Các thuốc kháng vi rút Cúm: Oseltamivir, Zanamivir, Peramivir, Baloxavir marboxil, Umifenovir, Favipiravir
  • Nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol, ibuprofen…
  • Bù nước, điện giải, các loại vitamin
  • Kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn

Các thuốc ức chế neuraminidase như oseltamivir, zanamivir hay peramivir… can thiệp vào quá trình giải phóng vi rút cúm ra khỏi các tế bào bị nhiễm và do đó ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Thuốc ức chế endonuclease như baloxavir… can thiệp vào sự nhân lên của vi rút bằng cách ngăn chặn quá trình sao chép RNA của vi rút. Thuốc có tác dụng trên vi rút cúm A và B và có thể là một lựa chọn điều trị quan trọng mới nếu vi rút kháng các thuốc ức chế neuraminidase.

Zanamivir được cho dùng bằng ống hít, 2 nhát xịt (10 mg) 2 lần/ngày; thuốc có thể được sử dụng ở người lớn và trẻ em ≥ 7 tuổi. Zanamivir đôi khi gây co thắt phế quản và không nên dùng cho bệnh nhân bị bệnh đường thở phản ứng; một số người không thể sử dụng thiết bị xịt hít thuốc.

Oseltamivir 75 mg, uống 2 lần mỗi ngày, dùng cho những bệnh nhân > 12 tuổi; liều thấp hơn có thể được sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Oseltamivir đôi khi có thể gây buồn nôn và nôn. Ở trẻ em, oseltamivir có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa; tuy nhiên, không có dữ liệu nào khác cho thấy rõ rằng việc điều trị cúm sẽ ngăn ngừa các biến chứng.

2.1. Nhóm thuốc giảm sốt, đau họng, nhức đầu

Theo BS. Thiệu, thuốc cảm cúm phổ biến nhất trong trường hợp sốt, đau họng, nhức đầu là Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen). Thuốc này khá an toàn, giúp hạ sốt, giảm đau hiệu quả ở mức độ vừa và nhẹ, không cần kê đơn, chỉ cần hướng dẫn liều dùng.

Liều dùng Paracetamol dựa theo cân nặng, viên thuốc được chia liều uống cho mỗi đối tượng trẻ em và người trưởng thành. Cần sử dụng Paracetamol đúng liều và có khoảng cách giữa các lần hợp lý. Thông thường, cần dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 – 6 giờ. Đối với bệnh nhân có bệnh về gan thì cần thận trọng và cần sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Cảm cúm ở trẻ em (Ảnh minh họa)

2.2. Nhóm thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi

Nhóm thuốc điều trị triệu chứng nghẹt mũi là các loại thuốc co mạch, dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi như xylometazolin, Naphazolin,…

Khi sử dụng, thuốc làm co động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang và mao mạch, đẩy máu đi nơi khác, làm thông thoáng hốc mũi. Bệnh nhân dễ thở hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi kéo dài.

Những loại thuốc nhỏ này được khuyến khích dùng trong 3 – 5 ngày khi bị cảm cúm, sử dụng kéo dài có thể gây tác dụng phụ như: đau đầu, viêm mũi, phù nề, khả năng ngửi kém,…

Thuốc giảm triệu chứng nghẹt mũi có nhiều loại với nồng độ khác nhau, cần lưu ý lựa chọn đúng với độ tuổi người bệnh.

Các thuốc chứa hoạt chất kháng histamin như fexofenadine, chlorpheniramine giúp giảm nhanh triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi.

“Cần lưu ý các thuốc kháng histamin thường khiến người bệnh buồn ngủ, mất tập trung nên sau khi dùng thuốc, không lái xe hoặc vận hành máy móc”, BS. Thiệu lưu ý.

2.3. Nhóm thuốc giảm ho

Nhóm thuốc giảm ho bao gồm các thuốc giảm ho dextromethorphan.

BS. Thiệu cũng cho biết người bị cảm cúm nếu ho có đờm nên sử dụng các thuốc chứa Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein,… giúp làm long đờm, tiêu đờm, giúp ho dễ dàng và bớt khó chịu hơn.

3. Lưu ý khi chữa cảm cúm

Bệnh nhân cúm nặng cần nhập viện:

+ Bệnh nhân bị bệnh nặng, phức tạp hoặc đang tiến triển.

+ Bệnh nhân cúm có thể điều trị ngoại trú nhưng có yếu tố nguy cơ, bệnh nền như:

  • Trẻ em < 2 tuổi, người lớn ≥ 65 tuổi, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ sau sinh < 2 tuần
  • Bệnh nhân suy giảm/bị ức chế miễn dịch
  • Người béo phì mắc bệnh (BMI ≥40)

 Điều trị thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt khi có chỉ định (< 48h từ khi khởi phát). Sau 48h thuốc vẫn có tác dụng nhưng hiệu quả kém hơn.

+ Zanamivir không phù hợp cho bệnh nhân đặt nội khí quản, khí dung ở bệnh nhân hen, COPD.

+ Nếu bệnh nhân nặng có thể kéo dài liệu trình kháng vi rút hơn 5 ngày.

BS. Thiệu cũng cho biết, để phòng ngừa bệnh cúm thì tiêm phòng cúm là phương pháp hiệu quả nhất. Vắc xin cúm thường có hiệu lực từ 6 tháng đến 1 năm do hiện tượng trôi dạt kháng nguyên, vì vậy cần được tiêm nhắc lại hàng năm nhằm duy trì lợi ích bảo vệ tốt nhất.

BS. Thiệu lưu ý các đối tượng nên được ưu tiên tiêm vắc-xin:Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người già > 65 tuổi, người có bệnh lý mạn tính, nhân viên y tế, phụ nữ mang thai, người trông trẻ (người giúp việc, giáo viên mầm non…), người bị suy giảm miễn dịch… Bệnh nhân mắc một số bệnh mãn tính; Trẻ < 19 tuổi phải điều trị aspirin kéo dài.

Cảm cúm ở bà bầu (Ảnh minh họa)

4. Lưu ý khi chăm sóc, chữa cảm cúm ở trẻ nhỏ

  • Sử dụng thuốc giảm ho, hạ sốt,… theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Cha mẹ nên vệ sinh mắt, mũi, họng của trẻ hàng ngày với dung dịch nước muối sinh lý.
  • Thường xuyên theo dõi nhịp thở, thân nhiệt, đặc biệt dấu hiệu tím môi, da, tím đầu ngón tay.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như: bột, sữa, cháo, nước hoa quả,…
  • Hạn chế người tiếp xúc, hôn trẻ,… đặc biệt là người có triệu chứng bệnh.
  • Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài để tránh lây nhiễm cho người khác.
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ cá nhân, bô, thau chậu, khay ăn,… của trẻ với xà phòng diệt khuẩn.
  • Tắm nhanh bằng nước ấm, thay quần áo, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.

Hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích nêu trên mọi người sẽ lựa chọn được loại thuốc trị cảm cúm cần thiết, an toàn.

HOÀNG BÍCH

Chú thích ảnh:

Ảnh 1: BS. Lê Văn Thiệu – Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Ảnh 2: Cảm cúm ở trẻ em (Ảnh minh họa)

Ảnh 3: Cảm cúm ở bà bầu (Ảnh minh họa)

Tìm hiểu thêm: Tư vấn những loại thuốc cảm cúm cần thiết cho mọi người (phần 2)

VTM2256153