Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục khi trẻ nhỏ bị cảm cúm

Trẻ em là những đối tượng dễ mắc cúm hơn người lớn. Trong đó, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi là nhóm dễ nhập viện vì cúm nặng và có biến chứng nguy hiểm. Vậy tại sao trẻ nhỏ lại là đối tượng dễ bị cúm “tấn công mạnh mẽ”, triệu chứng và cách chăm sóc như thế nào? Tiêm vắc xin cúm có phải là biện pháp hiệu quả? Dưới đây là giải đáp của chuyên gia.

1. Cúm mùa là gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa được định nghĩa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm (influenza vi rút) gây nên. Có nghĩa là người phải nhiễm vi rút và có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu,… khi có xét nghiệm được xác định là cúm thì khi đó mới xác định được bệnh. Cúm mùa là bệnh phổ biến ai cũng có nguy cơ mắc ở mọi thời điểm trong năm. Nhưng thông thường, cúm mùa xuất hiện nhiều vào mùa đông-xuân.

Ngoài ra, cúm mùa thông thường gây bệnh bởi vi rút A, B, C, D, trong đó cúm A và B là 2 loại cúm mùa nguy hiểm nhất.

2. Vì sao trẻ nhỏ dễ mắc cảm cúm?

“Trẻ nhỏ là đối tượng thuộc nhóm dễ mắc các bệnh cúm. Bởi từ khi trẻ mới chào đời, hệ thống miễn dịch cần thời gian để hoàn thiện và thích nghi với môi trường mới. Vì vậy, lúc này sức đề kháng của trẻ yếu và dễ bị vi rút xâm nhiễm, gây cúm”, PGS Dũng nói.

3. Triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ

Trẻ bị cảm cúm thường bắt đầu với các biểu hiện như: sốt cao 39-40°C, ho khan, đau họng, sổ/nghẹt mũi, hắt hơi.

Tiếp đó là các triệu chứng nổi bật như: sốt run, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu sức, nhức đầu, đau cơ. Trẻ còn nhỏ chưa thể mô tả cảm giác đau rõ ràng nên thể hiện qua quấy khóc dữ dội. Đồng thời, cảm cúm “hành” con rất mệt nên con có thể bỏ bú, bỏ chơi.

Ngoài ra, thỉnh thoảng cúm cũng làm trẻ viêm tai giữa, chảy nước mắt, đỏ mắt, nôn ói, tiêu chảy.

Trẻ sơ sinh dễ mắc cảm cúm (Ảnh minh họa)

4. Cách chăm sóc khi trẻ nhỏ bị cảm cúm

Theo BS Dũng, để giúp trẻ nhỏ bị cảm cúm dễ chịu và mau khỏi bệnh, các bậc phụ huynh nên cho con uống nhiều sữa mẹ hoặc sữa công thức, ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước đặc biệt khi trẻ sốt hoặc tiêu chảy. Rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, có thể dùng bầu hút chuyên dụng hút sạch dịch tiết từ mũi ra sẽ giúp bé dễ chịu hơn nhiều. Tạo môi trường giữ ẩm cho không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc để khăn ẩm trong phòng của bé. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của bé.

4.1. Điều trị bằng thuốc

Theo bác sĩ Dũng, trẻ bị cảm cúm thường sẽ nhanh khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp triệu chứng nặng, sau khi được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn thuốc, trẻ có thể sử dụng một số kháng vi rút tùy theo độ tuổi như: oseltamivir hay zanamivir có tác dụng ngăn chặn vi rút lây lan rộng trong cơ thể.

Tuy nhiên sử dụng thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ.

4.2 Tiêm vắc xin cúm hàng năm

Trẻ dưới 6 tháng tuổi không khuyến cáo tiêm vắc xin cúm, mà nên phòng tránh cúm bằng nhiều biện pháp không dùng thuốc.

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, trong lần đầu tiên tiêm ngừa cần tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin cúm, cách nhau ít nhất 4 tuần, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Hiện nay, đã có vắc xin cúm tứ giá cho trẻ từ 6 tháng tuổi, phòng ngừa được cả 4 chủng cúm phổ biến nhất hiện nay là 2 chủng cúm A/H3N2, A/H1N1 và 2 chủng cúm B/Yamagata, B/Victoria.

5. Tại sao nên tiêm vắc xin cúm hàng năm cho trẻ nhỏ

PGS Dũng mỗi năm vi rút cúm sẽ biến đổi và sẽ sinh ra những biến thể khác nhau.

Hơn nữa, vắc xin phòng cúm chỉ tạo đáp ứng miễn dịch của cơ thể trong thời gian nhất định sau đó miễn dịch cơ thể sẽ giảm dần, vì thế việc tiêm vắc xin cúm hàng năm là vô cùng quan trọng. Tiêm vắc xin cúm hàng năm được khuyến cáo với tất cả đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên.

Chăm sóc trẻ nhỏ bị cảm cúm vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa)

5.1. Vắc xin cúm hoạt động như thế nào?

Theo các chuyên gia y tế, vắc xin hoạt động rất giống như một bệnh nhiễm trùng ngoài tự nhiên. Vắc xin cúm được tạo thành từ các kháng nguyên của vi rút cúm. Khi các kháng nguyên trong vắc xin này đi vào cơ thể, chúng sẽ kích thích tạo ra kháng thể cần thiết để tìm kiếm và tiêu diệt vi rút sau này. Các kháng thể này được lưu trữ trong tủy xương và được huy động nhanh hơn nhiều nếu vi rút xâm nhập vào cơ thể, nhờ đó có thể tiêu diệt vi rút và bảo vệ cơ thể khỏi mắc bệnh. Vì chỉ chứa các mảnh cắt hoặc kháng nguyên trên bề mặt của vi rút, vắc xin chỉ tạo ra kháng thể chứ không khiến bạn mắc bệnh.

5.2. Thời điểm nào nên tiêm vắc xin cúm

PGS Dũng cho biết, phụ huynh tiêm vắc xin cúm cho trẻ vào thời điểm nào cũng được. Tuy nhiên, cơ thể cần khoảng 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ trẻ sau khi tiêm vắc xin cúm, do đó thời điểm khuyến khích nên tiêm vắc xin cúm cho trẻ là vào tháng 9-10 và tháng 3-4, trước khi mùa cúm bắt đầu phát triển mạnh.

5.3. Lựa chọn loại vắc xin cúm phù hợp

Hiện nay các vắc xin cúm có tại Việt Nam là vắc xin cúm tứ giá (chứa 4 chủng virus cúm) dùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi, gồm vắc xin phân mảnh và vắc xin tiểu đơn vị. Hai loại vắc xin này khác biệt về công nghệ sản xuất. Trong đó, vắc xin phân mảnh có chứa các mảnh virus sau phân cắt, còn vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm, … Vì vậy, đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ, giúp trẻ ít quấy khóc, bỏ bú sau tiêm và hạn chế cảm giác sợ hãi khi tiêm phòng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

6. Giá tiền các loại vắc xin cúm hiện nay

Giá các loại vắc xin cúm có thể khác nhau tùy thuộc vào loại vắc xin và trung tâm tiêm chủng. Có thể tham khảo giá vắc xin công khai trên website của Hệ thống tiêm chủng VNVC, Viện Pasteur TP.HCM, các bệnh viện có phòng tiêm chủng, …

7. Các phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin cúm

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sau khi tiêm vắc xin cúm, tác dụng phụ chủ yếu là ở vị trí tiêm. Sau khi tiêm bệnh nhân sẽ có triệu chứng như nhức đầu, sốt nhẹ… Thường thì những triệu chứng này tự hết hoàn toàn trong từ 1-2 ngày. Sau khi tiêm vắc xin cúm cần theo dõi trẻ cẩn thận, nếu có triệu chứng bất thường cần được đưa tới cơ sở y tế uy tín để kịp thời xử lý.

“Việc nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước sau tiêm rất quan trọng vì như vậy để tránh làm giảm tác dụng của kháng thể trong hệ miễn dịch…”, bác sĩ Dũng nói.

8. Những lưu ý khi tiêm vắc xin cúm cho trẻ nhỏ và mẹ bầu

Bác sĩ Dũng lưu ý, trẻ em và mẹ bầu là 2 đối tượng có nguy cơ mắc cúm mùa dễ nhất, bởi ở 2 đối tượng này có hệ miễn dịch yếu, dễ bị vi rút cúm mùa tấn công.

Chính vì thế tiêm vắc xin cúm là biện pháp tốt nhất bảo vệ họ. 2 đối tượng trên khi đi tiêm vắc xin cúm nên lựa chọn địa điểm cơ sở y tế uy tín, được cấp phép, sử dụng vắc xin có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng. Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp tư vấn trước, sau quá trình tiêm phòng, đảm bảo xử lý được những tình huống sốc phản vệ sau khi tiêm.

THANH LAM

Nguồn tham khảo:

  1. https://bvnguyentriphuong.com.vn/khoa-nhi/vac-xin-hoat-dong-nhu-the-nao
VTM2257675