Giải đáp 10 điều cần biết trước khi tiêm vắc xin cúm (phần 1)

Các loại cúm hiện nay đang phát triển mạnh, số lượng người, đặc biệt là trẻ em, nhập viện vì cúm mùa rất nhiều. Bộ Y tế và các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên tăng cường tiêm vắc xin phòng cúm mùa để tạo “lá chắn” bảo vệ cơ thể.

1. Vắc xin cúm là gì?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết vắc xin cúm mùa là một loại chế phẩm từ kháng nguyên của vi rút cúm mùa. Sau khi được tiêm vào cơ thể, các kháng nguyên này sẽ tương tác với hệ miễn dịch để kích thích các tế bào trong máu sản sinh ra kháng thể, giúp cơ thể nhận diện được vi rút lạ mặt này.

Trong trường hợp vi rút cúm thông qua đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ huy động các tế bào trong máu tấn công vi rút cúm, giảm thiểu tác động có hại của vi rút cúm đến sức khỏe của người nhiễm, tiêu diệt những mầm mống gây bệnh cho cơ thể.

“Đặc biệt đối với những người như người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng nếu được tiêm các loại vắc xin phòng cúm A và cả cúm B,… sẽ tạo ra lá chắn cho cơ thể. Kể cả vắc xin cúm nước ngoài hay vắc xin Việt Nam”, PGS.TS. Nga nhấn mạnh.

2. Vì sao nên tiêm phòng cúm mùa?

PGS.TS. Nga đánh giá, hệ miễn dịch là “chìa khoá” bảo vệ sức khỏe cho con người. Tiêm vắc xin cúm hàng năm mang lại những lợi ích to lớn, giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm. Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại vi rút cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chích ngừa khoảng 2-3 tuần.

Theo ông Nga, trong quá khứ, vi rút cúm mùa từng là loại vi rút gây nên đại dịch khủng khiếp với tốc độ lây lan chóng mặt, là thủ phạm gieo rắc tử vong cho hàng triệu người trên thế giới. Bệnh cúm sẽ không thể mất đi mà chỉ trở thành bệnh đặc hữu. Mỗi năm, đến mùa các loại vi rút này sẽ tấn công vào hệ miễn dịch con người, thông qua đường hô hấp, gây ra các loại cảm cúm như hiện nay.

Người dân cần lưu ý trước khi muốn tiêm vắc xin phòng cúm (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, số ca mắc cúm thường gia tăng mạnh nhất vào các thời điểm giao mùa. Nghiêm trọng hơn, hầu hết người bệnh đều chủ quan, chữa trị không theo chỉ định bác sĩ khiến cho tình hình bệnh diễn tiến xấu đi, gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa… thậm chí gây tử vong.

3. Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào, tháng mấy trong năm?

PGS.TS. Nguyễn Huy Nga lưu ý, thời điểm giao mùa chuyển từ hè sang thu – đông, thời tiết thay đổi, cơ thể thay đổi kéo theo sức đề kháng của con người cũng kém đi, đặc biệt là trẻ em dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cảm cúm.

“Đặc biệt là mùa đông, thời tiết hanh khô và vô cùng lạnh. Đây là khoảng thời gian vi rút cúm mùa dễ xâm nhập vào cơ thể con người nhất”, PGS. Nga nói.

Chính vì thế, người dân nên tiêm vắc xin cúm trước khi mùa cúm xuất hiện 2 tuần. Bởi vì, vắc xin phòng cúm thường có tác dụng sau khoảng 2 tuần kể từ thời điểm tiêm, lúc này kháng thể mới sản xuất được đầy đủ bên trong cơ thể và phát huy được hiệu lực bảo vệ cơ thể tối đa chống lại cúm. Do vậy, cần phải tiêm vắc xin cúm trước khi vi rút cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng, nên lập kế hoạch tiêm vắc xin phòng cúm sớm trước khi mùa cúm bắt đầu (thường tiêm vào mùa thu).

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến nghị nên tiêm vắc xin cúm vào thời điểm cuối tháng 10. Tuy nhiên, tiêm vắc xin cúm muộn hơn thậm chí tiêm vào tháng 1 năm sau (hoặc có thể tiêm muộn hơn nữa) thì vẫn có thể có lợi.

Đối với trẻ em từ 6 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm phòng cúm cần phải tiêm đủ 2 liều vắc xin và 2 mũi tiêm cần cách nhau tối thiểu là 4 tuần, nên thời điểm tiêm vắc xin cúm ở trẻ em thường bắt đầu sớm hơn các đối tượng khác.

Chủng vi rút cúm luôn thay đổi hàng năm, do đó cần tiêm phòng cúm nhắc lại mỗi năm, trước khi bước vào mùa cúm của năm đó và nên tiêm ngay khi có vắc xin của năm đó càng sớm càng tốt.

Tiêm vắc-xin phòng cúm vào tháng mấy? (Ảnh minh họa)

4. Đối tượng cần nên tiêm phòng vắc xin cúm?

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, vắc xin phòng cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Tiêm vắc xin phòng cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng “lá chắn thép” để bảo vệ sức khỏe.

Tiêm vắc xin phòng cúm không chỉ giúp bảo vệ người được tiêm, mà còn giúp bảo vệ những người xung quanh trước nguy cơ nhiễm cúm. Bởi vậy, mọi người nên tiêm phòng cúm sớm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả cộng đồng.

Tuy nhiên, không ít người băn khoăn không biết vắc xin cúm bao nhiêu tiền, vắc xin cúm tứ giá loại nào tốt?Về điều này nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết giá vắc xin cúm không đắt, mọi người có thể tham khảo tại các trạm y tế phường, trung tâm tiêm chủng VNVC,…

Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng khi mắc cúm thì nên tiêm:

  • Người trên 65 tuổi; người có các bệnh nền, có hệ miễn dịch kém.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai.
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi.
  • Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư, …
  • Người nhiễm HIV/AIDS.

5. Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cúm?

Ông Nga lưu ý, ngoài những trường hợp có thể tiêm vắc xin phòng cúm, thì có một vài trường hợp không được tiêm các loại vắc xin cúm mùa. Cụ thể:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
  • Người có tiền sử dị ứng mức độ nặng, phản ứng quá mẫn cảm nguy cơ đe dọa tính mạng hoặc dị ứng với bất kì thành phần nào có trong vắc xin.
  • Một số đối tượng cần được tư vấn và theo dõi cẩn trọng bởi chuyên viên y tế trước và sau khi tiêm phòng cúm như: Người bị dị ứng với trứng, người mắc hội chứng GBS (bệnh liệt nặng), người đang bị sốt hoặc sốt cao, và người đang bị suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính.

THANH LAM

VTM2257676