Các lưu ý khi bé bị sốt

Những thông tin cần biết khi trẻ bị sốt

• Tuổi của trẻ

• Nhiệt độ của trẻ

• Sốt ngày thứ mấy, diễn tiến sốt thế nào?

• Tình trạng tiêm chủng của trẻ

• Có đi du lịch ở đâu trong thời gian gần đây không?

• Có tiếp xúc với người bệnh ở trường hay ở nhà không?

• Có tiếp xúc với động vật không?

• Các triệu chứng thường đi kèm sốt: ho, sổ mũi, sau chích ngừa, mọc răng, li bì, bỏ bú, nổi phát ban, loét miệng, tay, chân, tiêu chảy, nôn ói, kiểu nôn ói…

Hãy cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ khi bạn đưa trẻ đi thăm khám.

Những câu hỏi thường gặp

Cách theo dõi và xử trí trẻ bị sốt tại nhà?

Thân nhiệt của trẻ < 39 ºC

  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, hoặc cố gắng cung cấp nhiều nước/ sữa cho trẻ.
  • Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, vì hầu hết nhiệt độ sẽ thoát qua da. Không nên trùm kín hoặc mặc quần áo quá dày cho trẻ.
  • Lau mát cho trẻ.
  • Nếu trẻ kêu lạnh có thể lau người trẻ bằng nước ấm (29-32 ºC).
  • Chỉ cân nhắc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ có sốt cao, đe doạ co giật ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi, trẻ có tiền căn động kinh, hoặc sốt khiến trẻ khó chịu.
  • Không điều trị phòng ngừa sốt vì sẽ khó đánh giá đáp ứng điều trị.

Thân nhiệt của trẻ > 39 ºC

  • Cân nhắc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
  • Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để hạ sốt và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm cho trẻ.
  • Cần chẩn đoán nguyên nhân trước khi điều trị và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

Khi nào cần đưa trẻ sốt đi khám bác sĩ?

  • Một số dấu hiệu gợi ý trẻ có thể gặp tình trạng nặng
    Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, nhiệt độ đo ở hậu môn ≥ 38 ºC; trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi, nhiệt độ ≥ 38,4 ºC hoặc sốt hơn 1 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, nhiệt độ ≥ 39,5 ºC hoặc sốt hơn 1 ngày.
  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi sốt cao kéo dài trên 24 giờ.
  • Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào, sốt trên 40 ºC.
  • Trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc.
  • Trẻ lên cơn co giật, động kinh.
  • Khó thở, thở nhanh, thở co kéo, co lõm lồng ngực.
  • Cứng cổ.
  • Nhức đầu nặng.
  • Đau họng.
  • Kèm bỏ ăn, bỏ bú, lơ mơ, li bì.
  • Nôn vọt.
  • Ban dạng chấm xuất huyết ở vùng da trong cánh tay, mặt trong đùi.
  • Hồng ban tẩm nhuận (không mất khi căng da).
  • Dấu hiệu mất nước nặng/ tiêu chảy: thóp lõm, mắt sâu, môi khô.
  • Tiêu phân đen, hoặc có máu trong phân, xuất huyết các lỗ tự nhiên.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Nổi bóng nước ở bàn tay và loét miệng.

Trường hợp nào cần đưa trẻ đi tái khám?

  • Nếu trẻ vẫn không hạ sốt dần, sốt kéo dài trên 3 ngày trong thời gian điều trị, các triệu chứng ngày càng tệ hơn, hoặc xuất hiện các dấu hiệu gợi ý trẻ có thể gặp tình trạng nặng kể trên, cần đưa trẻ đến tái khám hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ dù trẻ đã hạ sốt để đảm bảo nguyên nhân gây sốt đã được trị hết.

VTM2173405